Tìm kiếm tin tức
Thông tin đơn vị
Cải cách hành chính
Lĩnh vực chuyên môn
 
Thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ tỉnh giai đoạn 2011- 2015: Cần giải pháp và nguồn lực hợp lý.
Ngày cập nhật 08/07/2013
Kế hoạch hành động về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ của tỉnh giai đoạn 2011-2015 đã đi được nửa chặng đường. Để đánh giá tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch, những chỉ tiêu, hoạt động đã làm được cũng như những tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu của Kế hoạch đã đề ra, vừa qua, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã tổ chức 02 đoàn kiểm tra tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra phần nào đánh giá bức tranh toàn cảnh của các địa phương, đơn vị trong tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ tỉnh nhà giai đoạn 2011-2015.
Thứ nhất, công tác tuyên truyền thực hiện Luật Bình đẳng giới, Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp và các mục tiêu, chỉ tiêu của công tác cán bộ nữ theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước: Nhìn chung, tất cả các đơn vị đã xây dựng kế hoạch hành động bám sát Nghị quyết số 11-NQ/TW, Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy và Chương trình hành động của Đảng bộ các cấp. Lãnh đạo các đơn vị đã quan tâm chỉ đạo tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt các Nghị quyết, chương trình tại địa phương, đơn vị. Công tác tuyên truyền được thực hiện thông qua việc phổ biến các Luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và lồng ghép trong các hội thi tìm hiểu về pháp luật. Để triển khai có hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch từng giai đoạn và từng năm, hàng năm UBND cấp huyện, các sở ban hành kế hoạch và giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các cơ quan, phòng, ban, đoàn thể liên quan.
Thứ hai, công tác tham mưu về chính sách, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ ở các địa phương, các ngành được quan tâm hơn, có chỉ tiêu, lộ trình cụ thể, tỷ lệ nữ tăng qua các năm. Tuy nhiên, thực tế ở các đơn vị được kiểm tra cho thấy, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp so với yêu cầu và số lượng lao động nữ của đơn vị. Việc quy hoạch, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ nguồn đã quy định tỷ lệ thực hiện từng năm và cả giai đoạn, song hầu hết các đơn vị chưa đảm bảo chỉ tiêu. Các đơn vị cấp sở có nhiều thuận lợi hơn so với các đơn vị cấp huyện. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đạt và vượt so với quy định tại một số đơn vị như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo.... Đơn vị có tỷ lệ thấp là huyện Phú Vang, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.
Thứ ba, các địa phương, đơn vị đã căn cứ vào Kế hoạch hành động của tỉnh giai đoạn 2011-2015 và tình hình thực tiễn của địa phương, của từng ngành để xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp thực hiện 07 mục tiêu và các Chương trình, mục tiêu liên quan đến ngành, lĩnh vực mình quản lý. Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch đã có sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp. Các đơn vị đã thành lập, kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) đảm bảo đủ thành phần, phân công lãnh đạo sở, lãnh đạo UBND huyện, thị xã phụ trách. Tại các địa phương, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là bộ phận thường trực, các thành viên của Ban là lãnh đạo các phòng liên quan, các Hội, Đoàn thanh niên cùng cấp.
Thứ tư, công tác sơ, tổng kết, tập huấn, bồi dưỡng về giới và bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp sở có thực hiện chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí phân bổ của ngân sách tỉnh hàng năm. Đối với cấp xã, phường, thị trấn công tác này còn hạn chế, do kinh phí eo hẹp.
Thứ năm, lãnh đạo các đơn vị luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Ban VSTBPN các cấp hoạt động. Ngoài ngân sách chung của tỉnh phân bổ cho hoạt động bình đẳng giới, các địa phương, đơn vị còn phân bổ thêm kinh phí cho hoạt động của Ban. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương đều tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ từ các dự án, lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch hành động bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ vào các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của ngành. Các đơn vị thực hiện khá tốt công tác này là Sở Giáo dục và Đào tạo (20.000.000 đ/năm), Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (tranh thủ ngân sách tài trợ từ các dự án IMOLA, sinh kế...), huyện Quảng Điền (lồng ghép các chỉ tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới)....
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện Kế hoạch bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ gặp phải một số khó khăn, hạn chế sau:
Một là, công tác thông tin, tuyên truyền Luật bình đẳng giới, Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp; chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước có liên quan đến phụ nữ chưa thường xuyên, chưa sâu rộng (nhất là ở cơ sở). Việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về giới và các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch hành động bình đẳng giới ở các huyện, các ngành thực hiện chưa hiệu quả.
Hai là, việc xây dựng kế hoạch giai đoạn và kế hoạch hoạt động hàng năm còn chung chung, chưa có các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu và giải pháp cụ thể, thiết thực nên hiệu quả của hoạt động bình đẳng giới và VSTNPN chưa cao. Thực tế, qua kiểm tra, một số đơn vị chưa xây dựng quy chế hoạt động của Ban cũng như kế hoạch giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch thực hiện hàng năm; ban hành quy chế chậm; kiện toàn Ban VSTBPN các cấp chưa đảm bảo thành phần theo hướng dẫn (thiếu bộ phận thư ký giúp việc); thành viên của Ban VSTNPN hầu hết là kiêm nhiệm, bận rộn với công việc chuyên môn, lại chưa thường xuyên được cập nhật thông tin, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nên hạn chế đến chất lượng hoạt động.
Ba là, kinh phí đầu tư cho hoạt động bình đẳng giới và Ban VSTBPN tại các địa phương, đơn vị còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, đặc biệt là ở cấp xã.
Để công tác cán bộ nữ, hoạt động bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ đạt hiệu quả, trong thời gian 2 năm còn lại của Kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015, cần có những giải pháp đồng bộ và đầu tư nguồn lực hợp lý, cả về nhân lực và vật lực để thực hiện. Cụ thể:
1. Cần có sự chỉ đạo từ ngành dọc để các ngành, địa phương thấy được vai trò, trách nhiệm nhằm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015. Cần quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ, đặc biệt là quan tâm đảm bảo các chỉ tiêu về tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, tham gia lãnh đạo, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, cũng như tỷ lệ nữ kết nạp Đảng trên tổng số đảng viên mới; quan tâm đến việc tuyển dụng lao động nữ (không phân biệt giới trong tuyển dụng).                                                               
2. Các địa phương, đơn vị cần thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về giới và bình đẳng giới ở cơ sở; chú trọng đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức trong nhân dân; xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể. Huy động và đảm bảo các nguồn lực cần thiết trong tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị. Ban VSTBPN tỉnh quan tâm tổ chức các lớp học tập về mô hình thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, tham gia các hội nghị, các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước các cấp, cán bộ làm công tác bình đẳng giới và thành viên Ban VSTBPN các cấp.
Kinh phí tập huấn cho Ban VSTBPN cấp xã đề nghị Ban VSTBPN tỉnh chuyển về cho các huyện, thị xã để các địa phương chủ động trong việc mở lớp.
Quan tâm cấp riêng kinh phí cho hoạt động bình đẳng giới và TBPN từ nguồn ngân sách cấp huyện và cấp tỉnh. Thực hiện việc phân bổ kinh phí cho ngay từ đầu năm để cơ sở thuận lợi trong quá trình xây dựng kế hoạch năm và triển khai  thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương.
Đầu tư kinh phí xây dựng các pano tuyên truyền ở cơ sở, nơi trung tâm đông người để nâng cao nhận thức về giới và công tác bình đẳng giới.
 3. Các nội dung hoạt động liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới và VSTBPN (các chương trình hoạt động và nguồn lực có liên quan đến bình đẳng giới của các tổ chức, dự án,...) nên tập trung về cơ quan thường trực để thuận lợi cho quá trình tổng hợp, báo cáo.
Hy vọng trong thời gian tới, với những giải pháp phù hợp và đầu tư các nguồn lực hợp lý, hoạt động bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ tỉnh ta sẽ có những bước khởi sắc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2011-2015.
Tú Anh - Phòng CTTN                                                                                       
 
Các tin khác
Tin cùng nhóm
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.074.291
Truy cập hiện tại 111 khách