Tìm kiếm tin tức
Quá trình phát triển
Ngày cập nhật 18/12/2012

 

Sau thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra tuyên cáo thành phần của Chính phủ mới gồm 13 Bộ, trong đó có Bộ Nội vụ. Đây là cơ quan của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy Nhà nước, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử, đánh dấu sự ra đời của Bộ Nội vụ và trở thành ngày truyền thống của ngành Tổ chức nhà nước, nay là ngành Nội vụ.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Đảng và Chính phủ các chủ trương về xây dựng bộ máy Nhà nước, đặc biệt là tập trung cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 06/01/1946 và tham mưu thành lập các tổ chức của Chính phủ, xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền địa phương, xây dựng quy chế làm việc của bộ máy Nhà nước, thiết lập chế độ công chức mới ở nước ta.

Sau thắng lợi của Tổng tuyển cử, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I ngày 02/03/1946 đã lập ra Chính phủ chính thức để lãnh đạo nhân dân đấu tranh giữ vững nền độc lập của Tổ quốc. Bộ máy tổ chức của Bộ Nội vụ và của ngành Tổ chức Nhà nước được củng cố và phát triển. Đến năm 1970, công tác Tổ chức Nhà nước được chuyển từ Bộ Nội vụ về Phủ Thủ tướng. Tháng 02/1973, theo quyết định của Hội đồng Chính phủ, Ban Tổ chức Chính phủ được thành lập để xây dựng và kiện toàn bộ máy Nhà nước các ngành, các cấp, nhằm định rõ chức năng, nhiệm vụ hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương.

Trong quá trình hình thành và phát triển, mặc dù có những tên gọi khác nhau và có sự điều chỉnh tổ chức, bộ máy đảm nhiệm các chức năng, nhiệm vụ quản lý công tác tổ chức của nhà nước Trung ương, nhưng hệ thống ngành Tổ chức nhà nước vẫn được duy trì; các nhiệm vụ của ngành được tiếp tục đẩy mạnh nhằm phát huy vai trò của Nhà nước; đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban Tổ chức của Chính phủ đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước cử hàng chục vạn cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam trực tiếp tham gia chiến đấu ở các chiến trường.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, cả nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; cán bộ, công chức ngành Tổ chức Nhà nước đã làm tốt công tác tham mưu cho Đảng và Chính phủ kiện toàn bộ máy hành chính từ trung ương đến cơ sở, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xây dựng CNXH trong tình hình mới.

Năm 2002 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử xây dựng và trưởng thành của ngành Tổ chức Nhà nước. Tại kỳ họp thứ nhất ngày 05/8/2002, Quốc hội khóa XI đã ra Nghị quyết số 02/2002/QH11 quy định danh sách các Bộ, cơ quan ngang Bộ; trong đó, Ban Tổ chức Chính phủ được đổi tên thành Bộ Nội vụ, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; tổ chức chính quyền địa phương; quản lý địa giới hành chính; bồi dưỡng, đào tạo và quản lý cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước; tổ chức hội và tổ chức phi Chính phủ; văn thư lưu trữ Nhà nước và quản lý Nhà nước về dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

Trong 67 năm qua, ngành Tổ chức Nhà nước đã trưởng thành và phát triển không ngừng, đã hoàn thành được chức năng nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao phó, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đã tham mưu cho Đảng và Chính phủ xây dựng và kiện toàn bộ máy Nhà nước dân chủ của dân, do dân và vì dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước trung thành, sáng tạo, cần mẫn, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; sẵn sàng hy sinh, phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Hòa chung với cả nước, dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, hệ thống chính quyền tỉnh Thừa Thiên được hình thành. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hệ thống chính quyền được phát triển ở các vùng giải phóng. Ở cấp tỉnh, Uỷ ban kháng chiến hành chính tổ chức các Ty chuyên môn. Tuy không có tổ chức chuyên trách nhưng đã có phân công đồng chí Uỷ viên Uỷ ban làm Bí thư Đảng đoàn chính quyền, phụ trách công tác tổ chức và có một số cán bộ giúp việc với thời gian khá dài.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ ngày thành lập Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên, các tổ chức Nhà nước được hình thành, đặc biệt là sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, hệ thống chính quyền toàn tỉnh đã thực sự về tay nhân dân. Trong công tác tổ chức, cán bộ, đã khẩn trương xây dựng và củng cố chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở và Phòng Tổ chức chính quyền tỉnh được thành lập đầu tiên với 16 cán bộ. Tháng 5/1979, sau khi hợp nhất các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh được thành lập với 38 cán bộ, công chức.

Tháng 7/1989, sau khi tái lập tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh được thành lập với nhiệm vụ giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy, quản lý công chức, viên chức, xây dựng và củng cố chính quyền, thành lập các hội quần chúng.

Năm 2003, sau khi có Quyết định 248/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi tên Ban Tổ chức chính quyền thành Sở Nội vụ và Thông tư 05/2004/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý Nhà nước về công tác nội vụ ở địa phương; ngày 11/12/2003, UBND tỉnh đã quyết định đổi tên Ban Tổ chức chính quyền thành Sở Nội vụ .

Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND tỉnh đã  ban hành quyết định sáp nhập Ban Thi đua - Khen thưởng, Ban Tôn giáo và Chi cục Văn thư - Lưu trữ vào Sở Nội vụ. Đối với cấp huyện, theo Nghị định 14 của Chính phủ, Phòng Nội vụ đã được thành lập trên cơ sở tách Phòng Nội vụ - LĐTB&XH để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực về công tác Nội vụ.

Hiện nay, ngành Nội vụ được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực quan trọng, bao gồm: tổ chức bộ máy; biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước; cải cách hành chính; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; công tác thanh niên; tổ chức hội, tổ chức phi Chính phủ; công tác văn thư, lưu trữ nhà nước; tôn giáo và thi đua - khen thưởng.

Qua mấy mươi năm hình thành và phát triển, mặc dù có sự điều chỉnh tên gọi khác nhau và trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhưng chúng ta luôn phấn khởi và tự hào vì đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước những chủ trương, giải pháp xây dựng bộ máy Nhà nước đáp ứng yêu cầu của cách mạng qua mỗi thời kỳ, đồng thời trực tiếp tham gia giải quyết nhiều công việc cụ thể do Đảng, Nhà nước giao trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ và xây dựng chính quyền, xây dựng bộ máy Nhà nước ngày càng vững mạnh, góp phần vào thành tựu chung của đất nước, của tỉnh nhà.

Từ ngày thành lập đến nay, các thế hệ cán bộ, công chức ngành Tổ chức Nhà nước (nay là ngành Nội vụ) của tỉnh đã không ngừng trưởng thành và phát triển cả về quy mô và chất lượng đội ngũ. Nhiều cán bộ của ngành đã được tín nhiệm bầu giữ những chức vụ chủ chốt ở các cơ quan Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ. Đội ngũ cán bộ, công chức của ngành đã luôn tự học, tự rèn luyện để nâng cao trình độ, đáp ứng với yêu cầu công việc được giao qua mỗi thời kỳ; luôn giữ vững lòng kiên trung, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; đoàn kết, chí công vô tư, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; đã được Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Nội vụ ghi nhận, đánh giá cao và tặng thưởng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của các cấp. Đặc biệt, năm 2007 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Cờ thi đua của Chính phủ; ngày 20/8/2012, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1254/QĐ-CTN về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể cán bộ, công chức, viên chức Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh các thành tích của tập thể, nhiều cán bộ, công chức, viên chức Sở Nội vụ đã được tặng thưởng Huân chương Lao động các loại; nhiều Bằng khen và danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Kỷ niệm chương ngành Tổ chức nhà nước; Huy chương, Kỷ niệm chương của các Bộ, ngành Trung ương; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Nhìn lại chặng đường mấy chục năm năm qua, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn mà các thế hệ cán bộ công chức, viên chức ngành Nội vụ đã đạt được; đồng thời cũng thấy rõ hơn trách nhiệm lớn lao mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó. Trước niềm vinh dự đó, phát huy truyền thống tốt đẹp, với ý chí quyết tâm và sức mạnh mới, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm phấn đấu vươn lên xây dựng toàn ngành không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

Trong không khí chung của toàn Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế đang tích cực, quyết tâm phấn đấu với tinh thần cao nhất để thực hiện thắng lợi Kết luận 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020; với trách nhiệm và vinh dự của người làm công tác Nội vụ, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của ngành nguyện kế thừa và phát huy những thành tích đã đạt được, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, góp phần làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; không ngừng đổi mới, tạo bước đột phá về công tác cán bộ. Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để góp phần “xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao”.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.179.486
Truy cập hiện tại 246 khách