Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Khám phá nét độc đáo của tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn qua sách “Ngự chế minh văn cổ khí đồ”
Ngày cập nhật 15/05/2017

Đây là bộ sách ghi chép lời răn dạy của Vua Minh Mạng với nội dung kính trời, lễ phép với tổ tiên, chăm chỉ làm việc, yêu dân, noi gương tiền nhân, dạy bảo cho hậu thế,… được minh họa bằng hình ảnh các cổ vật.

         Những năm gần đây, tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn đã được công chúng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Đó là những bản gỗ khắc ngược chữ Hán hoặc chữ Nôm dùng để in ra thành sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam dưới thời phong kiến. Không chỉ là khối tài liệu độc đáo của Việt Nam, Mộc bản Triều Nguyễn còn là loại hình tài liệu hiếm có trên thế giới và đã được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới ngày 31/7/2009. Khối tài liệu được biết đến với nội dung phong phú, hình thức độc đáo cả về phương diện vật mang tin hay phương pháp chế tác. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự độc đáo của Mộc bản Triều Nguyễn là họa tiết hoa văn, họa đồ, hình thể, điều này được thể hiện rõ nét trong cuốn sách “Ngự chế minh văn cổ khí đồ”. Đây là bộ sách ghi chép lời răn dạy của Vua Minh Mạng với nội dung kính trời, lễ phép với tổ tiên, chăm chỉ làm việc, yêu dân, noi gương tiền nhân, dạy bảo cho hậu thế,… được minh họa bằng hình ảnh các cổ vật.

          Sau khi lên nối ngôi năm 1820, vua Minh Mạng cũng noi theo gương của các bậc tiền nhân, những lúc thư thả việc nước thì thường đọc kinh sách của người xưa để tu thân, dưỡng tính và mở mang kiến thức. Khi xem các sách, Vua thấy ghi chép về các loại đồ cổ không giống nhau, thỉnh thoảng có một vài bài minh, chữ nghĩa thiếu sót, không thể hiểu hết được. Vì vậy, năm 1838, Vua đã đưa hình cái đỉnh sách mệnh của đời Thương đến cái xe hình con chim cưu đời Hán giao cho các quan có trách nhiệm chiểu theo hình dáng khắc bác cổ đồ. Năm Kỷ Hợi (1839), Châu phê cho phép đổi bác cổ đồ làm cổ khí. Cổ khí là các vật dụng được mô phỏng theo hình dáng các đồ vật bằng đồng thời nhà Thương, nhà Chu và nhà Hán ở Trung Quốc. Vua Minh Mạng tự sáng tác những bài thơ suy tôn các nguyên lý đạo giáo cao quý cho khắc vào Mộc bản, tương ứng với 33 cổ vật là 33 bài minh ngự chế chữ Hán được khắc bên cạnh. Có thể điểm qua một số cổ khí được mô tả trong cuốn sách như sau:

 

 

 

          Đây là cổ khí được phỏng theo cái bình của Hợp Tôn Tổ Đinh đời Thương, bài minh kèm theo phiên âm là: “Tỉnh thân tâm, tu quốc chính, chính triều đình, nhi bách quan vạn dân, mạc cảm bất chính”. Tạm dịch: Người làm vua luôn xem xét thân mình, lòng mình, tu sửa nền chính trị trong nước, giữ cho triều đình được ngay thẳng thì trăm quan vạn dân, chẳng ai dám làm điều sai trái.

 

 

 

          Hay Phỏng theo cái chén vuông Kỷ Dậu đời Chu, kèm theo bài minh: “Khí dĩ thịnh vật, phương dĩ nghĩa dụ. Vật túng dục bại độ, đương dĩ nhân nghĩa vi tiên vụ”. Tạm dịch: Khí cụ là để đựng đồ vật, vuông vắn là để ví dụ cho đức nghĩa. Chớ phóng túng ham muốn mà phá hỏng khuôn phép, phải lấy nhân nghĩa là việc làm trước tiên.

 

 

          Cổ khí phỏng theo cái cốc của Phụ Phụ Đinh đời Thương: Hòa canh tắc diêm mai, tế xuyên tư chu tiếp. Dụng hiền vật nhị, tỉ tá ngã bang gia, âm dương điều nhiếp”. Tạm dịch: Pha canh thì dùng muối, mơ, qua sông thì nhờ thuyền, mái chèo. Dùng người hiền tài chớ có hiềm nghi, để họ phò tá nước nhà của ta, âm và dương sẽ hài hòa vậy.

 

 

         Hình ảnh cổ̉ khí được phỏng theo cái lọ đựng rượu hình con tê giác đời Thương, Vua cho khắc bài minh: Hữu công bất thưởng vô dĩ khuyến, hữu tội bất phạt vô dĩ trừng. Sự quy bình doãn, vật ngụ ái tăng”. Tạm dịch: Người có công mà không thưởng thì không lấy gì để khuyến khích, người có tội mà không phạt thì không lấy gì để răn đe. Mọi việc phải quy về cách xử đoán công bằng, không nên xét ở chỗ yêu ghét.

 

 

          Phỏng theo cái đỉnh của Phủ Ất đời Thương, Vua răn: “Niệm khai sáng chi gian nan, tư thủ thành chi bất dị. Tử tử tôn tôn vĩnh bảo dụng thử khí”. Tạm dịch: Việc khai cơ lập nghiệp rất gian nan, việc giữ vững các thành quả cũng không dễ. Cho nên con con cháu cháu muôn đời phải biết quý trọng và gìn giữ thành quả của người xưa, như việc sử dụng và giữ gìn các đồ cổ vậy.

 

 

          Bên cạnh hình cổ khí phỏng theo cái bình đựng rượu của Phủ Tân đời Thương, có lời dạy: “Vi chính chi đạo, tín thưởng tất phạt. Dụng hình ninh sảo khoan, hữu công thù vật khuyết. Tùy sự nhi thi, chiêu chiêu bất bội. Tạm dịch: Đạo của người làm chính trị, thưởng ắt phải có phạt. Dùng hình pháp thì hơi khoan nhượng, có công thì báo đáp chớ bỏ sót. Tùy việc mà thi hành cho minh bạch, đừng trái lẽ. (Hình 6)

          Mỗi cổ khí mang một hình dáng khác nhau được khắc tinh xảo và rõ nét, bên cạnh là một bài minh có nội dung ngắn gọn, súc tích, mang đầy ý nghĩa thể hiện tư tưởng trị vì của vua Minh Mạng. Tiếp cận cuốn sách này, chúng ta không chỉ được tìm hiểu, nghiên cứu rõ hơn về lịch sử, văn hóa, xã hội, chính trị của đất nước dưới thời vua Minh Mệnh, mà từ đó còn có những nhìn nhận rõ hơn về một triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam. Đồng thời, những hình ảnh mô phỏng cổ vật của người xưa được thể hiện trên gỗ với nhiều hình dạng, kiểu dáng khác nhau cũng cho thấy sự đặc biệt của tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới. Mỗi tấm Mộc bản không chỉ là một trang sử liệu có giá trị mà còn là một tác phẩm nghệ thuật rất độc đáo. Qua đó có thể khẳng định rằng, nghệ thuật khắc in Mộc bản dưới Triều Nguyễn là “đỉnh cao” của nghệ thuật khắc in ở nước ta thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX./.

Văn Phương (Theo archives.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.071.909
Truy cập hiện tại 169 khách