Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bộ Nội vụ họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí
Ngày cập nhật 28/06/2017

Chiều ngày 27/6/2017, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về kết quả triển khai công tác trong thời gian qua, dự kiến một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Bộ Nội vụ và một số vấn đề dư luận quan tâm.

Cùng dự buổi Họp báo có ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn của Bộ Nội vụ; Lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; Đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương.

Phát biểu tại buổi Họp báo, thay mặt Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã cảm ơn sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương trong thời gian qua. Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đánh giá cao sự đồng hành, chia sẻ, phối hợp của các nhà báo, các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương trong thời gian vừa qua với Bộ Nội vụ, góp phần vào việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đặc biệt, là các lĩnh vực thuộc ngành Nội vụ. Đồng thời, qua thông tin của báo chí, Bộ Nội vụ cũng nhận thấy những vấn đề cần phải tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Thứ trưởng tin tưởng trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan thông tấn, báo chí về các hoạt động của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ.

Nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng gửi lời cảm ơn và chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà báo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì buổi Họp báo

Tại Họp báo, ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn của Bộ Nội vụ đã thông báo tới các cơ quan thông tấn, báo chí kết quả triển khai công tác Quý II năm 2017 và dự kiến nhiệm vụ công tác trong thời gian tới của Bộ Nội vụ.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn của Bộ Nội vụ 
thông báo về kết quả công tác Quý II năm 2017 và dự kiến nhiệm vụ công tác thời gian tới của Bộ Nội vụ

Theo đó, Quý II năm 2017, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ tiếp tục tập trung cao cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ đối với các bộ, ngành, địa phương.

Tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 177/QĐ-BCĐCCHC ngày 29/3/2017 về Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2017 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ; Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký ban hành theo thẩm quyền các văn bản: Thông tư số 02/2017/TT-BNV ngày 12/5/2017 hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; Thông tư số 03/2017/TT-BNV ngày 19/5/2017 ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ; Văn bản số 2424/BNV-CCVC ngày 09/5/2017 hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng; Quyết định số 1874/QĐ-BNV ngày 26/5/2017 ban hành Kế hoạch tổng kết đánh giá 13 năm thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng,…

Tham mưu tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2017 và công bố chỉ số CCHC năm 2016, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn về công tác tổ chức cán bộ và quản lý công chức, viên chức. Thẩm định trình Chính phủ Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 21 bộ, cơ quan ngang bộ và 6 cơ quan thuộc Chính phủ. Triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo các quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của chính phủ. Tổ chức họp với các bộ, ngành liên quan về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2006/NĐ-CP ngày 17/8/2006 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan, tổ chức hành chính. Tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với Đề án rà soát hệ thống văn bản pháp luật hiện hành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước có quy định về tổ chức bộ máy, biên chế; Hội thảo xin ý kiến hoàn thiện dự thảo các Tờ trình của Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về giải quyết tranh chấp địa giới hành chính do lịch sử để lại. Tổ chức các Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Dự án 600 Phó Chủ tịch xã và Lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước cho Đội viên Đề án 500 trí thức trẻ,…

Về một số nhiệm vụ công tác trong thời gian tới, Bộ Nội vụ tiếp tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự thảo: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định quy định việc áp dụng chức danh chuyên gia cao cấp; Nghị định chế độ và chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975; Nghị định sửa đổi 3 Nghị định: Nghị định số 112/2011/NĐ-CP; Nghị định số 92/2009/NĐ-CP; Nghị định số 29/2013/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP; Đề án rà soát hệ thống văn bản pháp luật hiện hành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước có quy định về tổ chức bộ máy, biên chế; Đề án “Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã”; dự thảo văn bản hướng dẫn quy trình khen thưởng đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước năm giữ thấp hơn hoặc bằng 50% vốn điều lệ; Hoàn thiện Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp theo đúng kế hoạch, lộ trình của Ban Chỉ đạo tiền lương nhà nước; Hoàn thiện Đề án “Sửa đổi, bổ sung phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước”, Đề án “Phương pháp đánh giá tổ chức” và Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ đối với các bộ, ngành, địa phương.

Về một số vấn đề mà dư luận quan tâm trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Tiến Thành và đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ đã trực tiếp trả lời các vấn đề như:

Liên quan đến việc kiện toàn cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP

Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Tiến Thành cho biết, nhằm kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở thực hiện mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, bảo đảm nguyên tắc “một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính”, giảm tối đa sự giao thoa, đan xen về chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương.

Dự thảo Nghị định quy định khung về tổ chức các cơ quan chuyên môn có tính mở theo hướng giảm số lượng các sở được thành lập thống nhất, tăng số lượng các sở được thành lập phù hợp với nông thôn, đô thị và đặc thù, chuyên ngành. Theo đó, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện quyết định thành lập, hợp nhất hoặc không thành lập một số sở, phòng chuyên môn cấp huyện, bảo đảm phù hợp với tinh thần Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) và quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Quy định khung và tiêu chí thành lập các tổ chức, đơn vị bên trong sở, tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ quản lý ngành hướng dẫn cụ thể, bảo đảm phù hợp với phạm vi, đối tượng quản lý và quy mô, tính chất hoạt động, yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo phân công, phân cấp, ủy quyền trên địa bàn tỉnh.

Quy định rõ tiêu chí xác định số lượng Phó Giám đốc sở, số lượng cấp phó tại các tổ chức, đơn vị thuộc Sở và số lượng Phó Trưởng phòng cấp huyện theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, bảo đảm phù hợp với quy mô tổ chức và phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Việc hợp nhất một số sở sẽ có những ảnh hưởng, tác động nhất định đến hoạt động của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân. Bộ Nội vụ đã có báo cáo đánh giá tác động trình Chính phủ về dự thảo Nghị định.

Thông tin dư luận về việc thực hiện tinh giản biên chế

Tính đến ngày 19/6/2017, trên cơ sở đề nghị của Bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đã thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế năm 2015, năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 với tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế là 28.230 người.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế của Bộ, ngành, địa phương mình từ năm 2015 - 2021 và của từng năm. Tinh giản biên chế chủ yếu đối với đối tượng nghỉ hưu trước tuổi (86,22%), chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm. Một số Bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng theo trình tự quy định; đưa vào diện tinh giản biên chế đối với một số trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản.

Các Bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng Đề án tinh giản biên chế phải khẩn trương xây dựng, phê duyệt Đề án tinh giản biên chế và kế hoạch tinh giản biên chế từ nay đến năm 2021 và của từng năm, trong đó phải xác định rõ tỷ lệ tinh giản biên chế. Các Bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế nhưng kết quả thực hiện còn thấp, cần có giải pháp để thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế được phê duyệt.

Người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện tinh giản biên chế. Nếu không hoàn thành kế hoạch tinh giản biên chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải bị xử lý trách nhiệm về Đảng, Nhà nước.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết thêm, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo quyết liệt tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 2218/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thông tin dư luận về việc bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương

Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ, thời gian vừa qua, một số địa phương có những sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với nền công vụ. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra các vụ việc báo chí phản ánh, thanh tra công vụ tại 11 địa phương, đơn vị, gồm: Tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế; huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính; tỉnh Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP. Đà Nẵng; huyện An Dương, TP. Hải Phòng; huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ đã phát hiện một số sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức; Bộ đã báo cáo cấp có thẩm quyền và đề xuất, kiến nghị khắc phục, xử lý những tồn tại, hạn chế, sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm, yêu cầu thu hồi quyết định trái pháp luật, xem xét miễn nhiệm chức vụ, chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp qua kiểm tra đã phát hiện sai phạm; kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm theo quy định của pháp luật.

Về số lượng cấp phó ở một số đơn vị vượt quá quy định: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định số lượng cấp phó của người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ (Thứ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ) không quá 05, riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 06 (Khoản 2 Điều 38); số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập không quá 03 và số lượng cấp phó của người đứng đầu Tổng cục không quá 04 (Khoản 2 Điều 40). Theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (Phó Giám đốc sở) là không quá 03 (Khoản 2 Điều 6); Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (Phó Trưởng phòng) là không quá 03 (Khoản 3 Điều 5).

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, số lượng cấp phó tại một số cơ quan, đơn vị vượt quá so với quy định. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã kiểm tra, thanh tra tại một số đơn vị, như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa (có 08 Phó Giám đốc Sở), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định (có 06 Phó Giám đốc Sở), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương (có 44/46 công chức giữ chức vụ lãnh đạo), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên (Thừa 23 cấp phó).

Trên cơ sở báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo yêu cầu các địa phương có phương án sắp xếp số lượng cấp phó bảo đảm đúng số lượng theo quy định và tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, để tăng cường hơn nữa số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra trong công tác tổ chức cán bộ, Bộ Nội vụ đã đề nghị Thanh tra Chính phủ phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ trong đó có nội dung về tuyển dụng, bổ nhiệm; Thanh tra Chính phủ đã thống nhất với đề nghị của Bộ Nội vụ. Theo đó, trong năm 2017 và các năm tới, Bộ Nội vụ phối hợp với Thanh tra Chính phủ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao các Bộ, địa phương tự kiểm tra, thanh tra tối thiểu 30% đơn vị thuộc và trực thuộc.

Liên quan đến công tác tuyển chọn lãnh đạo, quản lý: thực hiện Thông báo Kết luận số 202-TB/TW ngày 26/5/2015 của Bộ Chính trị, ý kiến của Ban Bí thư tại Công văn số 3135-CV/VPTW ngày 16/01/2017 của Văn phòng Trung ương; sau khi thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương; Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 09/5/2017 hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng.

Theo đó, việc tổ chức thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng nhằm: Phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng độ ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng; góp phần thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các Bộ, ban, ngành, địa phương.

Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm và giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và phát huy vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, quản lý cán bộ, công chức, viên chức và của các tổ chức đoàn thể của cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn. Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và đúng thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ; chọn được người giỏi nhất trong số những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện đã dự thi để bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn. Chỉ thực hiện việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý đối với trường hợp bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng và tương đương. Không thực hiện thi tuyển đối với các chức danh được xác định là cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức hoặc khi xem xét bổ nhiệm lại.

Trước mắt, triển khai thực hiện thí điểm đổi mới cách cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng tại 36 cơ quan, đơn vị (14 ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và 22 địa phương); đồng thời, khuyến khích các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương không được chọn thực hiện thí điểm, nhưng có chủ trương của cấp ủy, chính quyền thực hiện bổ nhiệm lần đầu thông qua thi tuyển thì được thực hiện tuyển chọn chức danh lãnh đạo quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp Phòng theo hướng dẫn tại Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 09/5/2017 của Bộ Nội vụ.

Thông tin dư luận về đề xuất nghiên cứu bỏ “biên chế” và ký hợp đồng đối với viên chức

Theo quy định của Luật Viên chức, viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc. Về nội dung hợp đồng làm việc của viên chức được ký kết, thực hiện như hợp đồng lao động; các tranh chấp liên quan đến việc ký kết, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động.

Nhằm đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân, Chính phủ đã thống nhất thực hiện việc quản lý số lượng người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập như sau: Đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ (bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp bảo đảm chi thường xuyên) được quyết định số lượng người làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở bảo đảm việc làm ổn định và thu nhập cho số lượng người làm việc tăng thêm. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ (do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên) thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định số lượng người làm việc trong tổng số người làm việc được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật, bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trường hợp tăng thêm số lượng người làm việc so với tổng số người làm việc được cấp có thẩm quyền giao, các bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Nội vụ để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về một số kiến nghị, đề xuất nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý viên chức theo hướng thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động đối với viên chức, như ngành giáo dục, y tế thời gian vừa qua. Đây là vấn đề mới, cần được nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện.

Toàn cảnh Họp báo

 

Theo moha.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.074.291
Truy cập hiện tại 298 khách