Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chuyển đổi số không đồng nghĩa với ‘app hóa’
Ngày cập nhật 23/08/2024

Làn sóng chuyển đổi số đang kéo theo xu hướng “app hoá” các dịch vụ công ích. Tình trạng này có thể bị lạm dụng, không chỉ gây phiền hà khi phải cài nhiều app mà còn dễ dẫn đến làm lộ dữ liệu cá nhân của người dân

Do chưa có tiêu chuẩn, tiêu chí nào cụ thể nên vài năm gần đây xu hướng làm ứng dụng cài trên điện thoại thông minh (app) ngày càng nở rộ. Việc xây dựng app thường được kèm theo như một hạng mục công nghệ cao trong các dự án, kế hoạch, mà đôi khi app được làm chỉ để phục vụ một mục đích có phạm vi rất hẹp như cung cấp thông tin của một khu chợ đêm hay địa điểm du lịch trong một địa phương nhỏ.

Một ví dụ minh hoạ cho việc “app hoá” là mô hình thu tiền rác qua app vừa bị hoãn áp dụng hồi tuần trước. Sau vài tháng chuẩn bị, đã chốt ngày bắt đầu nhưng trong tuần trước chính quyền quận Bình Tân (TPHCM) đã ngưng kế hoạch thu tiền rác qua app. Việc ngưng triển khai thu tiền rác qua app được UBND quận này đưa ra khi chỉ còn khoảng hai tuần là đến ngày dự kiến áp dụng là đầu tháng 9 tới đây.

Có một số điểm cần cân nhắc trong làn sóng “app hoá” đang diễn ra, đặc biệt là đối với các dịch vụ công ích.

Điểm đầu tiên và cũng đáng lo ngại nhất của tình trạng này là mỗi app đều kèm theo một kho dữ liệu về người cài và sử dụng app. Với quy mô nhỏ, kinh phí duy trì ít thì việc bảo mật, chống lộ dữ liệu cá nhân khó mà được đầu tư đúng mức và nguy cơ bị hacker tấn công đánh cắp thông tin cá nhân là không nhỏ.

Chẳng hạn, với app thu tiền rác, tuy có vẻ đơn giản nhưng lại chứa đựng toàn bộ thông tin chi tiết của từng hộ gia đình của cả một quận. Dữ liệu này sẽ trở thành “mỏ vàng” nếu lọt vào tay hacker vì rất dễ bán trên thị trường đen.

Một điểm rất quan trọng khác, dù là dịch vụ công ích hay dịch vụ thươmg mại, người dân phải có nhiều hơn một sự lựa chọn. Trong xã hội luôn có một nhóm người yếu thế về công nghệ, không thể sử dụng công nghệ như điện thoại thông minh. Với nhóm này, việc bắt buộc người dân chỉ có một cách là phải xài app chứ không có sự lựa chọn khác là không công bằng, mà phải duy trì cách truyền thống để phục vụ họ.

Hiện tại đã có tiền lệ về việc này, chẳng hạn như tại TPHCM từ tháng 4 năm nay, ngành điện lực chỉ cung cấp hoá đơn tiền điện qua app, hay kế hoạch dự kiến thu tiền rác qua app của quận Bình Tân nói trên.

Tình trạng phát triển app kiểu trăm hoa đua nở khiến người dân phải cài đủ loại app, vừa rối rắm vừa mất công tạo tài khoản đăng nhập và còn chiếm bộ nhớ của điện thoại.

Về mặt chi phí, dù là nguồn tiền từ ngân sách hay doanh nghiệp, mỗi hệ thống app đều gây tốn kém từ chi phí lập trình đến chi phí quản lý máy chủ và duy trì hệ thống. Tính tổng thể thì số tiền chi ra không phải là nhỏ và sẽ là sự lãng phí nguồn lực xã hội nếu không được dùng nhiều.

Để hạn chế lạm dụng khiến dẫn đến tình trạng “cái gì cũng làm app” thì cơ quan chức năng của TPHCM và các bộ ngành cần sớm có quy định tiêu chuẩn về sử dụng app. Chỉ nên phát triển app cho các mục đích lớn, mang tính tổng thể, tránh việc người dân phải cài hàng chục app đủ loại rất phiền phức.

Quy định tiêu chuẩn phát triển app với dịch vụ công ích còn giúp hạn chế được tình trạng quá nhiều app dẫn đến việc có nhiều kho dữ liệu nhỏ, không được bảo mật tốt. Thay vào đó chỉ nên phát triển app sử dụng các nền tảng lớn, được bảo mật tốt để tránh lọt thông tin cá nhân. Đây là việc cần làm sớm để tránh tình trạng loạn app như đã diễn ra hồi thời kỳ dịch Covid-19 mấy năm trước đây.

   Theo KTSG Online

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.117.844
Truy cập hiện tại 634 khách