Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Sơ kết tình hình triển khai Dự án 513 và hướng dẫn việc kiểm tra bộ hồ sơ gốc thực địa trên địa bàn thị xã Hương Thủy
Ngày cập nhật 07/06/2017

UBND thị xã Hương Thủy tổ chức sơ kết tình hình triển khai Dự án 513 và hướng dẫn việc kiểm tra bộ hồ sơ gốc thực địa của 12 xã, phường sau khi tiến hành khảo sát, đo vẽ thực địa

Chiều ngày 06/6/2017, tại UBND thị xã Hương Thủy tổ chức sơ kết tình hình triển khai Dự án 513 và hướng dẫn việc kiểm tra bộ hồ sơ gốc thực địa của 12 xã, phường sau khi tiến hành khảo sát, đo vẽ thực địa; tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Tri, Trưởng phòng Phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên - Sở Nội vụ; đồng chí Hoàng trọng Duyệt, Trưởng phòng Phòng Nội vụ thị xã; đại diện lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND, phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã; Chủ tịch và Công chức Địa chính - Xây dựng của 12 xã, phường trên địa bàn thị xã cùng đơn vị thi công dự án 513 của tỉnh.

Trên cơ sở Kế hoạch số 281/KH-SNV ngày 16/3/2017 của Sở Nội vụ về việc triển khai thực hiện Dự án hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính (ĐGHC) và xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐGHC trên địa bàn tỉnh năm 2017 và Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 03/8/2016 của UBND thị xã về việc triển khai Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” trên địa bàn thị xã; UBND thị xã đã chỉ đạo UBND các phường, xã phối hợp với các phòng chuyên môn cùng đơn vị thi công tiến hành rà soát, khảo sát thực địa, đo vẽ, chôn mốc và sửa các mốc địa giới các cấp trên địa bàn thị xã; qua báo cáo sơ bộ tại hội nghị, đến nay đã cơ bản hoàn thành, kết quả cơ bản như sau:

1. Về mốc địa giới hành chính: Toàn thị xã có 43 mốc địa giới hành chính, trong đó: Chôn mới bổ sung 06 mốc; khôi phục mất mốc là 16 mốc; sửa chữa, di chuyển đến vị trí phù hợp là 21 mốc; cụ thể: Có 21 mốc hai mặt cấp xã được chôn mới, khôi phục và sửa chữa, gắn tâm mốc và 22 mốc ba mặt được chôn mới, khôi phục và sửa chữa, gắn tâm mốc.

2. Về rà soát, đối chiếu, xác minh đường địa giới hành chính:

2.1. Tuyến nội huyện có 22 tuyến, trong đó 14 tuyến ổn định, thống nhất quản lý theo hồ sơ địa giới 364, phù hợp với thực tế và hiện trạng quản lý (Đường địa giới chủ yếu đi theo sông, tim đường, theo ranh giới thửa đất thổ cư, theo tim bờ thửa và đường viền khu nghĩa địa...); 08 tuyến địa giới còn lại gồm: Thủy Dương - Thủy Phương, Phú Bài - Thủy Châu, Thủy Phù - Phú Sơn, Thủy Phù - Thủy Tân, Phú Bài - Thủy Phù, Phú Bài - Thủy Lương, Thủy Bằng - Phú Sơn, Thủy Phương - Phú Sơn thì có sự điều chỉnh, thống nhất lại một số đoạn do sai sót trong quá trình thực hiện Chỉ thị 364, dẫn đến sai khác trong hiện trạng quản lý, các địa phương đều thống nhất phương án giải quyết khi triển khai Dự án, để phù hợp với quản lý hiện nay.

2.2. Tuyến ngoại huyện có 33 tuyến, giáp với 06 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Huế, Hương Trà, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc và Phú Vang), trong đó có 25 tuyến ổn định, thống nhất quản lý theo hồ sơ địa giới 364, phù hợp với thực tế và hiện trạng quản lý hiện nay; 08 tuyến địa giới hành chính: Thủy Phù (Hương Thủy) - Lộc Bổn (Phú Lộc), Phú Sơn (Hương Thủy) - Lộc Bổn (Phú Lộc), Thủy Dương (Hương Thủy) - An Đông (thành phố Huế), Thủy Dương (Hương Thủy) - An Tây (thành phố Huế), Thủy Thanh (Hương Thủy) - An Đông (thành phố Huế), Thủy Bằng (Hương Thủy) - An Tây (thành phố Huế), Dương Hòa (Hương Thủy) - Bình Thành (Hương Trà), Dương Hòa (Hương Thủy) - Hương Thọ (Hương Trà) có một số đoạn địa giới có sự điều chỉnh, thống nhất lại một số đoạn do sai sót trong quá trình thực hiện Chỉ thị 364, dẫn đến sai khác trong hiện trạng quản lý, các địa phương đều thống nhất phương án giải quyết khi triển khai Dự án, để phù hợp với quản lý hiện nay; tuy nhiên còn hai tuyến: Dương Hòa (Hương Thủy) - Bình Thành (Hương Trà), Dương Hòa (Hương Thủy) - Hương Thọ (Hương Trà), Sở Nội vụ sẽ chủ trì, cùng với hai địa phương thống nhất lại đường địa giới vì có hiện trạng xâm canh.

Cũng tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Tri đã hướng dẫn cho các xã, phường về phương pháp tiến hành kiểm tra bộ hồ sơ, bản đồ gốc thực địa 513; cụ thể theo hướng dẫn tại Công văn số 368/SNV-XDCQ ngày 04/4/2017 của Sở Nội vụ về việc tổ chức kiểm tra, nghiệm thu các sản phẩm của Dự án 513; theo đó đồng chí đã lưu ý một số vẫn đề trọng tâm:

1. Yêu cầu của việc kiểm tra, nghiệm thu

- Nhiệm vụ kiểm tra, nghiệm thu hồ sơ, bản đồ ĐGHC phải được thực hiện ngay sau khi hoàn thành từng hạng mục công việc, sản phẩm.

- Hồ sơ, bản đồ ĐGHC khi nghiệm thu phải đảm bảo được lập đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 48.

- Các số liệu phải chính xác, từ ngữ sử dụng trong các văn bản phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu và thống nhất giữa các cấp.

- Đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất và chính xác về mặt kỹ thuật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đo vẽ bổ sung các yếu tố ĐGHC, các yếu tố địa lý từ thực địa lên bản đồ địa hình và về lập hồ sơ, bản đồ ĐGHC.

- Xác nhận rõ khối lượng nhiệm vụ đã thực hiện.

- Khi kết thúc nghiệm thu hồ sơ, bản đồ ĐGHC phải lập báo cáo gửi cơ quan quản lý cấp trên nêu về số lượng và chất lượng từng tài liệu trong hồ sơ, bản đồ ĐGHC. Trong báo cáo phải có kết luận rõ ràng và đánh giá chất lượng tốt hoặc đạt yêu cầu, những thiếu sót cần phải bổ sung, sửa chữa hoặc làm lại, thời gian hoàn thành, khi nộp lên cấp trên phải đảm bảo đầy đủ và chính xác.

- Phiếu ghi ý kiến kiểm tra, Biên bản nghiệm thu, Bảng danh mục tài liệu đã nghiệm thu trong quá trình kiểm tra, nghiệm thu lập theo mẫu quy định. 

2. Kiểm tra các nội dung của hồ sơ địa giới, phải đảm bảo tính khoa học, đầy đủ, chính xác, pháp lý và thống nhất, làm cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính (đường địa giới hành chính, tên các địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn giữa các tài liệu, bản đồ và thực tế phải trùng khớp) thể hiện qua 4 tính chất sau:

- Tính thống nhất: Kiểm tra tính thống nhất giữa hồ sơ (bản xác nhận sơ đồ vị trí mốc, tọa độ ĐGHC, các loại phiếu các bản mô tả…), bản đồ và hồ sơ thuyết minh.

- Tính đầy đủ: Kiểm tra tính đầy đủ của các loại tài liệu theo quy định; việc chuyển vẽ các địa danh, các công trình phúc lợi công cộng, các khe, suối, kênh, mương, đảo, bãi cạn… từ thực địa lên bản đồ đã đầy đủ và chính xác (tên gọi, vị trí…).

- Tính chính xác: Các bản mô tả và bản đồ phải thể hiện rõ ràng, ngôn ngữ diễn đạt dễ hiểu, chính xác vị trí của các yếu tố địa lý tồn tại trên thực địa dùng làm căn cứ phù hợp với nội dung và số liệu trong hồ sơ, bản đồ ĐGHC của từng cấp.

- Tính pháp lý: Sau khi kiểm tra xong Chủ tịch UBND cấp xã ký vào các mảnh bản đồ trong bộ bản đồ ĐGHC thuộc đơn phạm vi quản lý của mình; ký xác nhận vào bản tọa độ, các biên bản mô tả, phiếu thống kê địa danh (dân cư, thủy văn, sơn văn…).

Đồng chí cũng đã lưu ý một số trọng tâm khác, giúp cho việc kiểm tra được thuận lợi, kỹ càng, tránh những sai sót, tồn tại sau khi lập bộ hồ sơ 513.

Toàn cảnh hội nghị:

LT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.070.410
Truy cập hiện tại 22 khách