Tìm kiếm tin tức
Nghĩ về hai chữ “Nhân dân” viết hoa trong Hiến pháp mới năm 2013
Ngày cập nhật 12/06/2014
Bản Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28/11/2013 tại kỳ họp thứ 6, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Qua 5 lần ban hành và sửa đổi Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992 và 2013), có thể nói, bản Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện một bước tiến mới, được sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung cơ bản, khoa học, phù hợp với bản chất chế độ của Nhà nước ta. Trong đó, đáng chú ý ở một điểm mới là lần đầu tiên trong lịch sử, hai chữ “Nhân dân” đã được viết hoa trong Hiến pháp với tất cả tính nhân văn và kế thừa truyền thống “lấy dân làm gốc” của dân tộc Việt Nam.

Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất, thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số Nhân dân của Nhà nước đó. Vì vậy, việc xây dựng Hiến pháp phải tuân thủ một quy trình chặt chẽ và đảm bảo tính thực tiễn, khoa học pháp lý rất cao. Trong các bản Hiến pháp trước đây, bên cạnh từ “Đảng”, “Nhà nước” được viết hoa trang trọng thì rất tiếc, hai chữ “nhân dân” rất đỗi thiêng liêng vẫn chưa được thể hiện tương tự như vậy. Hiến pháp luôn khẳng định, nhà nước là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân; nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước. Trong văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước đã khẳng định rõ điều đó, tuy nhiên, cách thể hiện như trước đây cũng làm không ít người phải băn khoăn.

Nay trong bản Hiến pháp mới, từ “Nhân dân” đã được viết hoa với sự trang trọng nhằm tái khẳng định và nhấn mạnh bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân; đồng thời, thể hiện được vai trò, vị trí trung tâm của Nhân dân với tư cách là chủ thể thực sự của xã hội. Hiến pháp năm 2013 đã làm rõ và bổ sung một số nội dung mới về quyền CON NGƯỜI, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền CON NGƯỜI, quyền công dân. Đây là kết quả của quá trình đổi mới trên 27 năm qua ở nước ta và phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là một thành viên.

Với sự thay đổi tích cực đó, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện những nội dung mới quan trọng nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); quy định đầy đủ, rõ nét về chủ thể là Nhân dân trong Hiến pháp, về quyền lực của Nhà nước thuộc về Nhân dân, thể hiện chủ yếu qua những điểm sau:

Thứ nhất, ngay Lời nói đầu Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, Nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam... Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” đã thể hiện nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao quyền làm chủ của Nhân dân trong Hiến pháp là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, đồng thời, thể hiện đất nước Việt Nam là do chính Nhân dân làm chủ, Nhân dân là chủ thể quan trọng trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Quan điểm này là sự kế thừa một cách đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Lúc sinh thời, Người viết: “Nước ta là nước dân chủ, Bao nhiêu lợi ích đều là vì dân, Công việc đổi mới và xây dựng là trách nhiệm của dân, Chính quyền từ xã đến Chính phủ do dân cử ra, Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên, Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Với nhiều nội dung đổi mới tiến bộ, cùng với việc viết hoa hai chữ “Nhân dân”, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện nhất quán tư tưởng của Bác Hồ, của Đảng về vị trí, vai trò của Nhân dân trong lịch sử đấu tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước trải qua mấy ngàn năm lịch sử. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Bác Hồ đã được lịch sử chứng minh qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chính vì vậy, Hiến pháp năm 2013 là sự kết tinh và thể hiện tính đúng đắn về quyền làm chủ của Nhân dân đối với đất nước, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã lựa chọn; và tất cả chúng ta đều luôn tin tưởng: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Trần Minh Phương

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.074.291
Truy cập hiện tại 68 khách