Tìm kiếm tin tức
Tác động của Luật Thanh niên 2005 đến thanh niên Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 06/06/2013
Chung tay vì cuộc sống cộng đồng

Luật Thanh niên năm 2005 có hiệu lực từ tháng 7/2006, sau gần bảy năm triển khai thực hiện, việc đánh giá tác động của Luật đối với thanh niên tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung là cơ sở để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và tình hình thanh niên hiện nay.

Những chuyển biến tích cực

Thanh niên Thừa Thiên Huế hiện chiếm khoảng trên 26,5% dân số, đây là lực lượng đông đảo, là nguồn nhân lực dồi dào, xung kích trên mọi lĩnh vực. Trước đây, khi chưa ban hành Luật Thanh niên, nhiều phong trào và nội dung hoạt động của tuổi trẻ, cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh niên chưa được cụ thể hóa đã phần nào tác động đến việc phát huy sức trẻ và sức sáng tạo của thanh niên. Từ khi Luật ra đời đã điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến thanh niên, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành các chính sách, cơ chế bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của tuổi trẻ, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tiềm năng to lớn của thanh niên trong phát triển kinh tế-xã hội.

Có thể chứng minh điều này qua một số số liệu thống kê minh họa sau:

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tính đến năm 2012, tỷ lệ học sinh bậc trung học đi học trong độ tuổi đạt trên 70%, tất cả 9 huyện, thị xã và thành phố Huế đều có trường hoặc trung tâm đào tạo nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong độ tuổi thanh niên đạt 40%. Thanh niên ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được cấp sách giáo khoa đầy đủ, được miễn học phí để hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục, thanh niên được bình đẳng giới trong học tập.

Trong giải quyết nghề nghiệp, việc làm, từ năm 2007 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp với tổ chức Đoàn cùng cấp tổ chức gần 400 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho 7.229 thanh niên, giải quyết việc làm cho hơn 4.500 thanh niên, đã có 2.345 thanh niên được vay vốn với tổng dư nợ là 11,645 tỷ đồng, thanh niên hộ nghèo được miễn giảm phí học nghề và ưu tiên tư vấn, giới thiệu việc làm ở các cơ sở công lập, được vay vốn từ Quỹ xóa đói giảm nghèo và vốn tín dụng ưu đãi tại địa phương nhằm giúp đỡ phát triển kinh doanh, dịch vụ, tự tạo việc làm, lập thân lập nghiệp.

Đ/c Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế động viên thanh niên lên đường nhập ngũ

 

Trong tham gia phát triển kinh tế-xã hội, từ năm 2006 đến nay, thanh niên trong các tổ chức Đoàn, Hội thanh niên toàn tỉnh đã tham gia 242 chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương, đơn vị trị giá 60 tỷ đồng, với sự tham gia của 6.220 lượt thanh niên; hiện nay toàn tỉnh có 76 trang trại trẻ với sự tham gia của 326 thanh niên.

Lễ khởi động Tháng Thanh niên năm 2013

 

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, đại bộ phận thanh niên là cán bộ, công chức luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, không ngừng rèn luyện, học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng, tự nâng cao kiến thức chuyên môn để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu vị trí công tác, đặc biệt là trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Tỷ lệ kết nạp Đảng ngày càng tăng, tỷ lệ tăng hàng năm khoảng 6%. Từ năm 2008 đến năm 2012 đã có gần 15.000 đoàn viên ưu tú được giới thiệu, trong đó kết nạp gần 8.000 đảng viên mới chiếm tỷ lệ 53% trong tổng số đảng viên mới kết nạp

Mặc dù chưa có những điều khoản quản lý nhà nước về thanh niên nhưng Luật Thanh niên được các cấp chính quyền và bản thân thanh niên nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của nó nên công tác thanh niên đạt nhiều thành quả đáng khích lệ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương nói chung và thanh niên Thừa Thiên Huế nói riêng đã cơ bản thay đổi phương pháp tiếp cận với thanh niên.

Tháng 8/2011, Phòng Công tác thanh niên thuộc Sở Nội vụ được thành lập và thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các phòng Nội vụ cấp huyện bố trí công chức, cán bộ quản lý theo dõi công tác thanh niên. Đây chính là lực lượng tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện cơ chế, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên, tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam và Chương trình phát triển thanh niên của tỉnh đến năm 2020, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của thanh niên được nêu trong Luật Thanh niên.

Sự cần thiết phải thay đổi, bổ sung Luật Thanh niên

Có thể thấy rằng, Luật Thanh niên năm 2005 với nhiều chế định tiến bộ, phát huy vai trò của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, hiện nay một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn và các văn bản quy phạm pháp luật khác, thiếu cơ chế tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật. Vì vậy, cần thiết phải sự sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thanh niên để khắc phục những hạn chế nêu trên.

Từ thực tiễn triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi kiến nghị một số vấn đề cần điều chỉnh. Luật Thanh niên quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, song việc quy định cụ thể như hiện nay sẽ không bao quát hết các hành vi bị nghiêm cấm được quy định ở các văn bản pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong khi đó, thanh niên cũng là công dân Việt Nam nên có nghĩa vụ tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trên tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, Luật không cần phải quy định cụ thể các hành vi nghiêm cấm thanh niên thực hiện mà chỉ cần quy định các hành vi nghiêm cấm trong việc thực hiện Luật Thanh niên.

Chương trình Nhịp cầu Thanh niên tình nguyện

 

Các quy định trong Luật Thanh niên về quyền và nghĩa vụ của thanh niên cũng như trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên còn chung chung, một số nội dung chưa có cơ chế để thực hiện nên không thể đưa Luật vào đời sống. Do đó, cần thiết phải có quy định, chế tài cụ thể đối với các nội dung để nâng cao hiệu lực thi hành của Luật Thanh niên.

Luật Thanh niên cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc chủ trì, phối hợp để tổ chức triển khai, thực hiện các quy định của Luật. Quy định cụ thể cơ chế phối hợp giữa cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh niên. Trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên tại địa phương cần được quy định rõ trong Luật để tránh chồng chéo và thuận lợi trong việc phối hợp, tổ chức thực hiện những vấn đề quan trọng liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thanh niên.

Có thể nói, Luật Thanh niên ra đời đã tác động tích cực đến thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và thanh niên Thừa Thiên Huế nói riêng, cổ vũ thanh niên kế tục và phát huy truyền thống anh hùng của Đảng, dân tộc, tiếp nối truyền thống hào hùng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, truyền thống của quê hương Thừa Thiên Huế anh hùng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trung thành với mục tiêu lý tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc đánh giá tác động của Luật Thanh niên là cần thiết, từ đó có những sửa đổi, bổ sung phù hợp  đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của địa phương và tình hình thanh niên hiện nay.

Trần Như Đăng Tuyên (Phòng CTTN)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.074.291
Truy cập hiện tại 172 khách