Tìm kiếm tin tức
KẾT QUẢ ĐIỀU CHỈNH SAU HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG LẦN THỨ NHẤT VỀ CƠ CẤU, THÀNH PHẦN, SỐ LƯỢNG ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV
Ngày cập nhật 04/03/2021

Chiều ngày 03/03/2021, tại Phiên họp lần thứ 3, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự Trần Văn Túy cho biết, Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất ở Trung ương và địa phương đã được tổ chức đảm bảo đúng thành phần, kịp tiến độ thời gian theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất ở Trung ương và địa phương đã được tổ chức đảm bảo đúng thành phần, kịp tiến độ thời gian theo quy định.

 

Theo Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự, Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Văn Túy, thực hiện quy định tại Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất ở Trung ương và đại phương đã được tổ chức đảm bảo đúng thành phần, kịp tiến độ thời gian theo quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV theo quy định.

Trong đó, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội nghị hiệp thương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV. Hội nghị đã nhất trí dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số lượng, cơ cấu, đại biểu Quốc hội Khóa XV, đảm bảo tính đại diện các giai tầng, thành phần, vùng miền và có cơ cấu tương đối hợp lý.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 3, Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nguyên số lượng đại biểu khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên như số lượng đại biểu của Khóa XIV nhằm bảo đảm và phát huy vai trò đại diện của Nhân dân trong Quốc hội, phù hợp với xu hướng ngày càng mở rộng về tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tăng thêm tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng để đảm bảo sự phù hợp giữa số lượng đảng viên và người ngoài Đảng; quan tâm lãnh đạo để bảo đảm số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV có ít nhất 35% trên tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội và quan tâm đến cơ cấu đại biểu Quốc hội đại diện cho khối doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; tăng số lượng đại biểu dân tộc thiểu số được ứng cử đại biểu Quốc hội…

Về Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở địa phương, tính đến ngày 17/02/2021, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tiến hành xong Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất. Kết quả, 32 tỉnh, thành phố nhất trí với dự kiến phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội Khóa XV. Tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 1.076 người; đạt tỷ lệ bình quân là 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu, nhưng tỷ lệ không đồng đều giữa các tỉnh.

Đối với cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tổng số người được Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử là 7.656 người/trên tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.715 đại biểu; đạt tỷ lệ bình quân là 2,06 lần trên số đại biểu được bầu.

Phân bổ hợp lý số người là nữ, người ngoài Đảng, dân tộc, trẻ tuổi và tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Về việc điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội Khóa XV, Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự, Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Văn Túy cho biết, có 02 tỉnh, thành phố đề nghị điều chỉnh số lượng đại biểu Quốc hội do trung ương giới thiệu về ứng cử ở địa phương. Một số tỉnh, thành phố đề nghị điều chỉnh cơ cấu định hướng (doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất kinh doanh); cơ cấu hướng dẫn; cơ cấu dân tộc; cơ cấu tái cử; cơ cấu nữ; cơ cấu trẻ tuổi và cơ cấu ngoài Đảng.

Thực hiện theo Điều 40 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, căn cứ vào kết quả Hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương và địa phương, tại Phiên họp thứ 53 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 1226 điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Việc điều chỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu của các địa phương, trong đó xác định cơ cấu định hướng là cơ cấu khung để các tỉnh, thành phố làm căn cứ để giới thiệu người ứng cử. Trong cơ cấu này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh các địa phương cần quan tâm phân bổ hợp lý số người là phụ nữ, người ngoài Đảng, dân tộc, trẻ tuổi và tự ứng cử. Việc lựa chọn nhân sự đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện như quy định của Luật theo hướng nâng cao chất lượng đại biểu và hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.

 

Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự, Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Văn Túy cho biết, cơ cấu kết hợp là các cơ cấu theo chỉ tiêu kết hợp. Một người ứng cử đại biểu Quốc hội có thể có nhiều hơn một cơ cấu kết hợp. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh đảm bảo thực hiện quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số đại biểu người dân tộc thiểu số bảo đảm tỷ lệ ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội; số đại biểu tái cử khoảng 160 đại biểu; đại biểu là phụ nữ bảo đảm tỷ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử; đồng thời số lượng đại biểu ngoài Đảng khoảng từ 20-50 đại biểu và đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 50 đại biểu.

Đối với các công việc chuẩn bị cho Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai, Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự, Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Văn Túy nhấn mạnh: Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ở trung ương và địa phương tại Nghị quyết liên tịch số 09 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiện nay các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang tích cực triển khai các bước của quy trình giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thời gian để các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoàn thành quy trình giới thiệu từ ngày 24/02/2021 đến ngày 11/03/2021.

Trên cơ sở kết quả điều chỉnh sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, hiện nay hầu hết các Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã có văn bản thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi đến các cơ quan, tổ chức, địa phương về thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội; hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của từng địa phương, đồng thời gửi về Hội đồng Bầu cử quốc gia để báo cáo.

Sau khi kết thúc thời hạn nộp hồ sơ, Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố sẽ lập danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử ở địa phương để chuyển đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố. Tiểu ban Nhân sự sẽ giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia lập và chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử ở Trung ương đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tổ chức Hiệp thương lần thứ hai lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV (65 ngày trước ngày bầu cử - chậm nhất là ngày 19/03/2021) và tiếp tục tiến hành các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật./.

Theo.hoidongbaucu.quochoi.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.074.291
Truy cập hiện tại 512 khách