Tìm kiếm tin tức
Điểm mới của Nghị định 108/2020/NĐ-CP về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện
Ngày cập nhật 29/09/2020

Ngày 14/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 108/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có hiệu lực từ ngày 25/11/2020.

Nghị định 108/2020/NĐ-CP có một số điểm mới về cơ quan chuyên môn cấp huyện như sau:

1. Nhiệm vụ quyền hạn của Phòng chuyên môn

+ Bổ sung quy định phòng chuyên môn có nhiệm vụ trình UBND cấp huyện dự thảo văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

+ Bổ sung quy định trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện dự thảo các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo phân công. 

2. Bổ sung quy định trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu

+ Nghị định 37/2014/Nđ-CP chỉ quy định người đứng đầu chịu trách nhiệm trước UBND, chủ tịch UBND  và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn do mình phụ trách. 

+ Nghị định 108 bên cạnh quy định nhiệm vụ quyền hạn của Trưởng phòng như Nghị định 37, đã bổ sung quy định: Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện  là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp huyện do Hội đồng nhân dân cấp huyện bầu, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm  thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp huyện theo Quy chế làm việc và phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Quy định này đã làm nổi bật vai trò Ủy viên UBND cấp huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể UBND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

3. Số lượng phó Trưởng phòng

Nghị định 37 quy định số lượng phó trưởng phòng không quá 03 người. Nghị định 108 quy định Bình quân mỗi phòng có 02 Phó Trưởng phòng. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp.

Như vậy, theo Nghị định 108 thì có thể có phòng 01 phó phòng những cũng có thể có phòng hơn 02 phó phòng nhưng không vượt quá tổng số lượng phó phòng so với cơ quan chuyên môn.

4. Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của một số phòng chuyên môn

Phòng Nội vụ

Bổ sung nhiệm vụ ham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về những người hoạt động không chuyên trách ở ở thôn, tổ dân phố; tín ngưỡng.

Phòng Tư pháp

Bỏ chức năng kiểm soát thủ tục hành chính; không còn nêu chức năng quản lý bồi thường nhà nước mà đưa vào các công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

Phòng Tài nguyên và Môi trường

Bổ sung chức năng, nhiệm vụ Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về:  đo đạc và bản đồ; biến đổi khí hậu.

 Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội

Sửa đổi chức năng, nhiệm vụ Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về “dạy nghề” thành “giáo dục nghề nghiệp”.

Phòng Văn hóa và Thông tin

Bổ sung chức năng, nhiệm vụ  Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin điện tử.

Phòng Y tế

Bỏ chức năng Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch hóa gia đình.

Đồng thời bổ sung quy định: Trường hợp không tổ chức riêng Phòng Y tế thì chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực y tế do Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thực hiện.

Thanh tra huyện

Bổ sung chức năng, nhiệm vụ  Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiếp công dân theo quy định của pháp luật.

Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân

Bổ sung chức năng, nhiệm vụ  Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính.

Phòng Kinh tế

Bổ sung chức năng, nhiệm vụ  Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chống thiên tai.

 Phòng Kinh tế và Hạ tầng

Bổ sung quy định: Đối với các huyện có tốc độ đô thị hóa cao thì Ủy ban nhân dân huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định việc tổ chức 02 phòng chuyên môn theo quy định tại khoản 1 Điều này (Gồm Phòng Kinh tế và Phòng quản lý đô thị).

 Phòng Dân tộc

Nghị định 108/2020/NĐ-CP quy định cụ thể Phòng Dân tộc được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

a) Có ít nhất 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển;

b) Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.

Trường hợp không tổ chức riêng Phòng Dân tộc thì chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực dân tộc do Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thực hiện.

5. Bổ sung nhiệm vụ của UBND cấp huyện

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định việc thành lập hoặc không thành lập và kiện toàn tổ chức các phòng cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương, bảo đảm không tăng số lượng phòng.

+ Quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng.

+ Quyết định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp xã và phân cấp hoặc ủy quyền cho phòng và Trưởng phòng (Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp huyện) thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật.

Tập tin đính kèm:
THM
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.115.462
Truy cập hiện tại 12 khách