Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra
Ngày cập nhật 15/10/2014

Trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện Kết luận thanh tra

Điều 40 Luật Thanh tra quy định về trách nhiệm xử lý và chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra như sau:

 

1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết luận thanh tra hoặc nhận được kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp hoặc Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra:

a) Xử lý, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý sai phạm về kinh tế;

b) Xử lý, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật;

c) Áp dụng, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật;

d) Xử lý vấn đề khác thuộc thẩm quyền trong kết luận thanh tra.

2. Người có trách nhiệm xử lý kết luận thanh tra mà không xử lý hoặc xử lý không đầy đủ thì bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khác với những đối tượng khác có trách nhiệm thực hiện Kết luận thanh tra với những mức độ liên quan khác nhau, Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp với cơ quan thanh tra đã có kết luận có thẩm quyền và trách nhiệm tổ chức chỉ đạo việc thực hiện Kết luận thanh tra với các tình huống đã được tiên liệu tại Điều 40 của Luật Thanh tra. Việc thực hiện trách nhiệm này hoàn toàn nằm trong khả năng của Thủ trưởng cơ quan quản lý. Điều này được giải thích bởi sự phân cấp trong hoạt động thanh tra, nhất là trong thanh tra hành chính. Các cơ quan thanh tra thường có đối tượng và phạm vi thanh tra nằm trong phạm vi quản lý nhà nước của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp, đối tượng của thanh tra tỉnh là các sở ban ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo nguyên tắc quản lý hành chính thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân là cấp trên trực tiếp nên hoàn toàn có đủ thẩm quyền để sử dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện các kiến nghị thanh tra. Tuy nhiên không phải lúc nào đối tượng hoặc cơ quan có trách nhiệm cũng dễ dàng chấp nhận thực hiện các kiến nghị, yêu cầu. Họ thường đưa ra các lý do khác nhau để trì hoãn việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị trong kết luận thanh tra. Trong khi đó pháp luật chưa thể đưa ra những chế tài thích hợp và đủ mạnh để buộc họ phải thực hiện. Tất cả chỉ dừng lại ở việc quy định họ phải “chịu trách nhiệm” một cách chung chung mà thôi. Cho nên đôi khi họ cũng khó có thể theo dõi và đôn đốc các cơ quan, tổ chức thực hiện các yêu cầu kiến nghị của mình và với họ pháp luật cũng lại chỉ quy định họ có thể bị “xem xét trách nhiệm theo quy định của pháp luật” mà thôi.

Lược qua các quy định liên quan đến trách nhiệm thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra có thể thấy hai vấn đề:

- Việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra được quy định là trách nhiệm của quá nhiều chủ thế, hệ quả là rất khó xác định trách nhiệm chính thuộc về ai;

- Khi quy định trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra, pháp luật thực ra cũng không xác định được cụ thể các đối tượng sẽ chịu hậu quả pháp lý như thế nào nếu không thực hiện trách nhiệm của mình.

Hiện nay, một Nghị định riêng về vấn đề thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra đang chuẩn bị tích cực để ban hành. Hy vọng nó sẽ khắc phục được phần nào những vướng mắc, khó khăn để hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra được nâng cao hơn nữa. 

                                                                                                                                                                              Nguồn (Viện Khoa học Thanh tra)

 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.070.410
Truy cập hiện tại 79 khách