Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thông báo về việc Thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Tư pháp
Ngày cập nhật 19/07/2018

          Căn cứ Kế hoạch số 49-KH/TU ngày 25 tháng 9 năm 2017 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng và tương đương tỉnh Thừa Thiên Huế; Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Tư pháp; Quyết định số 1472/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Hội đồng thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Tư pháp;

Hội đồng thi tuyển tỉnh thông báo kế hoạch tổ chức thi tuyển như sau:

          1. Số lượng vị trí, thời gian thực hiện thi tuyển

          a) Số lượng vị trí tuyển: Tuyển 01 (một) vị trí Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

          b) Thời gian thực hiện: Từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2018.

          2. Đối tượng tham gia dự tuyển

a) Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển:

          - Công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nằm trong quy hoạch của chức danh Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

          - Công chức, viên chức đang công tác tại các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và nằm trong quy hoạch của chức danh Phó Giám đốc và tương đương.

          b) Đối tượng được đề cử tham gia dự tuyển:

          Công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh Phó Giám đốc và tương đương (bao gồm cả trường hợp công tác ngoài Sở Tư pháp và có thể không phải là đảng viên) giữ chức vụ từ Trưởng phòng cấp Sở trở lên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đề cử và đồng ý bằng văn bản.

          3. Tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển

          Người tham gia dự tuyển phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

          a) Bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ quy định tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII).

           b) Đáp ứng đủ các điều kiện bổ nhiệm theo quy định chung về công tác cán bộ, bao gồm:

          - Có hồ sơ, lý lịch cá nhân đầy đủ, rõ ràng, được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận.

          - Trong độ tuổi bổ nhiệm theo quy định.

          - Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

          - Không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 82 Luật Cán bộ, công chức; Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điêu 56 Luật Viên chức và các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.

          c) Đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể của chức danh Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cụ thể như sau:

          - Về năng lực điều hành:

          + Có khả năng nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển về công tác tư pháp để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp cải cách pháp luật, hành chính, tư pháp, đổi mới phương thức quản lý nhà nước về công tác tư pháp và triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của Sở.

          + Có năng lực quản lý, điều hành các hoạt động của Sở theo sự phân công của Giám đốc Sở, nắm vững các hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh; có khả năng hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về công tác tư pháp của địa phương.

          - Về hiểu biết:

          + Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác tư pháp.

          + Nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Sở.

          + Am hiểu tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, của cả nước, của các nước trong khu vực và trên thế giới.

          - Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ:

          + Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành Luật (đối với những người tham gia dự tuyển sinh năm 1976 trở lại đây phải có trình độ đại học chính quy trở lên);

          + Đạt tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính trở lên;

          + Có trình độ lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp;

          + Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ C hoặc tương đương trở lên;

          + Sử dụng thành thạo máy vi tính.

          4. Hồ sơ đăng ký dự tuyển

          Hồ sơ đăng ký dự tuyển bao gồm:

          a) Sơ yếu lý lịch (theo mẫu 2A và 2C-BNV/2008), do cá nhân tự khai được cơ quan đang công tác xác nhận tại thời điểm đăng ký dự tuyển;

          b) Bản sao hợp lệ các văn bằng, chứng chỉ (trường hợp có văn bằng, chứng chỉ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được chứng thực sang tiếng Việt);

          c) Bản kê khai tài sản, thu nhập (Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ);

          d) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển;

          e) Bản nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi đang công tác. Trường hợp người tham gia dự tuyển từ nơi khác thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan đang công tác đồng ý cho tham gia dự tuyển;

          f) Bản nhận xét của cấp ủy nơi cư trú.

          5. Thời gian và địa điểm nộp hồ sơ dự tuyển

          a) Thời gian nộp hồ sơ dự tuyển: Đối tượng dự tuyển hoàn thành hồ sơ theo yêu cầu và nộp về Hội đồng thi tuyển (qua Sở Nội vụ) từ ngày 12/7/2018 đến ngày 01/8/2018.

          Địa điểm tiếp nhận hồ sơ dự tuyển: Văn phòng Sở Nội vụ, số 09 Đống Đa, thành phố Huế.

          b) Thời gian thi tuyển: Dự kiến tổ chức trong tháng 8/2018.

          6. Nội dung, hình thức thi tuyển, cách tính điểm và xác định người trúng tuyển

          a) Nội dung, hình thức thi tuyển:

          - Thi viết

          + Nội dung thi viết: Kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực tư pháp; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực tư pháp; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh Phó Giám đốc Sở Tư pháp và các nội dung khác do Hội đồng thi tuyển quy định.

          + Thời gian thi viết là 180 phút.

          - Trình bày Đề án

          + Nội dung thi trình bày Đề án gồm: Đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của ngành Tư pháp trên địa bàn tỉnh và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cho ngành Tư pháp; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự tuyển nếu được bổ nhiệm vào chức danh Phó Giám đốc Sở Tư pháp; kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo; trả lời các câu hỏi chất vấn của Hội đồng thi tuyển và những người tham dự.

          + Thời gian trình bày Đề án tối đa là 45 phút. Thời gian trả lời các câu hỏi chất vấn về Đề án không quá 60 phút; thời gian trả lời mỗi câu hỏi chất vấn không quá 5 phút.

          b) Cách tính điểm và xác định người trúng tuyển:

          Bài thi viết và trình bày đề án được chấm theo thang điểm 100. Kết quả bài thi viết là điểm trung bình cộng của các thành viên chấm thi. Người dự tuyển phải có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên mới được tham gia phần thi trình bày Đề án. Cơ cấu điểm phần thi đề án gồm 3 phần, cụ thể: (1) Xây dựng đề án: 20 điểm; (2) Bảo vệ đề án: 40 điểm; (3) Trả lời các câu hỏi chất vấn: 40 điểm. Người trúng tuyển là người có điểm thi trình bày Đề án cao nhất trong số những người đạt trên 50 điểm.

TCBC
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.074.291
Truy cập hiện tại 289 khách