Đặc biệt, năm 2023 công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ đạt kết quả nổi bật theo hướng thống nhất, đồng bộ, bảo đảm sự liên thông giữa quy định của Đảng với yêu cầu thực tiễn đặt ra nhằm thúc đẩy đổi mới, phát triển. Theo đó, Bộ Nội vụ đã trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư 04 văn bản, đề án; trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành 14 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 03 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 20 Quyết định, 03 Công điện. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã ban hành 22 Thông tư, 07 văn bản hợp nhất.
Điểm nhấn quan trọng trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, đó là Bộ đã chủ động tích cực tham mưu thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Chủ động tham mưu các cấp có thẩm quyền triển khai đồng bộ, thống nhất, toàn diện việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương kịp thời, hiệu quả bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024, đồng thời đề xuất nâng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ 1.490.000đ/tháng lên 1.800.000đ/tháng từ ngày 01/7/2023 (tăng 20,8%), được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục được quan tâm thực hiện hiệu quả với mục tiêu đến hết năm 2024 giảm 140 đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh tự chủ gần 63%. Theo đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở các địa phương đã đạt kết quả đáng ghi nhận: tính đến nay đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp, giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong cả nước, đồng thời tiếp tục rà soát sắp xếp, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiều bộ, ngành, địa phương đặt quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện hiệu quả việc sắp xếp và trở thành điểm sáng trong cả nước.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 quy định về tinh giản biên chế. Đây là căn cứ quan trọng để các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng lộ trình thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Đồng thời, Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã. Đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành đầy đủ thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức, viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.
Tạp chí TCNN: Quản lý công vụ và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ cũng là một điểm nhấn thành công trong năm 2023. Xin Bộ trưởng chia sẻ quan điểm về công tác này?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: năm 2023, công tác quản lý công vụ và công chức tiếp tục có nhiều đổi mới. Theo đó, Bộ Nội vụ đã tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đổi mới công tác tuyển dụng, nâng ngạch công chức, đề xuất bỏ thi thăng hạng viên chức để giảm bớt thủ tục hành chính, thiết thực nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tháo gỡ các vướng mắc về hợp đồng lao động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đặc biệt là bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo trẻ, lãnh đạo nữ cho chính quyền địa phương tại nước ngoài, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược trong tình hình mới.
Đặc biệt, Bộ Nội vụ đã tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định số 73/2023/NĐ-CP là cơ sở quan trọng để khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm khiến công việc nhiều nơi bị trì trệ, gây ách tắc; qua đó tạo thêm động lực để cán bộ, công chức tự tin, bản lĩnh hơn khi đương đầu với khó khăn, thử thách trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Với sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ, các địa phương đã chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền tập trung hoàn thiện thể chế về quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo ngành, lĩnh vực; công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện đúng quy định, phù hợp nhu cầu và theo vị trí việc làm.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, năm 2023 Bộ Nội vụ đã quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực nội vụ; tập trung hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương cập nhật, kết nối, đồng bộ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng hạ tầng thông tin, an toàn, an ninh mạng, hệ thống phần mềm để làm cơ sở cho xây dựng Cơ sở dữ liệu chuyên ngành Bộ Nội vụ và phục vụ chuyển đổi số, phục vụ kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến thời điểm tháng 12/2023, 100% bộ, ngành và địa phương đã hoàn thành việc kết nối, đồng bộ dữ liệu với cán bộ, công chức, viên chức về cơ sở dữ liệu quốc gia. Đã đồng bộ hóa được gần 2,5 triệu hồ sơ cán bộ công chức viên chức để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tạp chí TCNN: Bộ trưởng có thể cho độc giải biết thêm thông tin về kết quả triển khai xây dựng chính quyền địa phương trong năm 2023?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn và hoàn thành việc cho ý kiến đối với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 56/56 tỉnh, thành phố thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã và đang triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ và thống nhất.
Đáng chú ý, năm 2023 Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Đây được xem là một bước tiến mới về tư duy để nâng cao vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ, công chức và cán bộ hoạt động không chuyên trách, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị cấp xã trong tình hình mới.
Tính đến nay, Bộ Nội vụ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 12 Nghị quyết thành lập 60 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố góp phần quan trọng thúc đẩy tốc độ đô thị hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 6 Báo cáo sơ kết 3 năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng; thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh làm cơ sở để triển khai xây dựng mô hình chính quyền đô thị của cả nước.
Tạp chí TCNN: là cơ quan thường trực tổ chức triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính của Chính phủ, vai trò của Bộ Nội vụ được thể hiện thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: với vai trò cơ quan thường trực tổ chức triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tham mưu nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy và công vụ, công chức. Nhờ vậy, Chỉ số PAR INDEX của các bộ, cơ quan ngang bộ ước đạt bình quân 86,4%; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bình quân đạt 86,7%; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) bình quân đạt 87,7%, đạt chỉ tiêu Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đã đẩy mạnh triển khai Đề án Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử.
Có thể nói, công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương đã đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, thể chế của nền hành chính tiếp tục được hoàn thiện; cải cách thủ tục hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện; thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, từng bước đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Tạp chí TCNN: hoạt động đối ngoại ngành Nội vụ năm 2023 cũng diễn ra rất sôi động và hiệu quả. Xin Bộ trưởng nói rõ hơn về vấn đề này?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: hoạt động đối ngoại ngành Nội vụ diễn ra sôi động và hiệu quả. Năm 2023, Bộ Nội vụ đã đón và tổ chức Hội đàm với nhiều đoàn khách quốc tế, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nhiều nước tại Việt Nam; tổ chức thành công Hội nghị Tổ chức hành chính miền Đông thế giới (EROPA) tại Việt Nam, phối hợp với Bộ Chuyển đổi và Công vụ Cộng hòa Pháp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm về hiện đại hóa nền công vụ, cải cách hành chính và nâng cao năng lực chuyển đổi số” góp phần kết nối giúp cho quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp ngày càng bền chặt. Thông qua hoạt động đối ngoại, đẩy mạnh kết quả hợp tác, tăng cường các hoạt động trao đổi kinh nghiệm về hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược của các bộ, ngành, địa phương và hiện đại hóa nền công vụ, cải cách hành chính và nâng cao năng lực chuyển đổi số của mỗi quốc gia.
Tạp chí TCNN: Xin Bộ trưởng cho biết về định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Bộ Nội vụ?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: phát huy kết quả đạt được trong năm vừa qua, năm 2024 Bộ Nội vụ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, gương mẫu, chuyên nghiệp, hiệu quả” nhằm tạo sự thay đổi và chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của ngành Nội vụ. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, ưu tiên toàn diện và tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ, trọng tâm vào đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức bộ máy, biên chế; công vụ, công chức; xây dựng chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chính quyền cấp xã. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước trong tình hình mới.
Hai là, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, cơ bản hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm; hoàn thiện tiêu chuẩn, chức danh công chức và tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý các cấp; triển khai các quy định về chế độ, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách liên thông đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh nhằm xây dựng chung một chế độ công vụ
Ba là, tiếp tục tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với bộ, ngành và với chính quyền địa phương; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy. Trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập từ bộ, ngành Trung ương đến địa phương; tham mưu trình cấp có thẩm quyền triển khai đồng bộ, thống nhất, toàn diện, hiệu quả thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024, trong đó phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Bốn là, quyết liệt phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với bộ, ngành và với chính quyền địa phương nhằm khơi thông điểm nghẽn, phát huy sự năng động, sáng tạo, tự chủ của các địa phương; đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trọng tâm là rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương; giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp.
Năm là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công vụ, công chức và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về đánh giá Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ, trọng tâm là hoàn thành toàn bộ dữ liệu chuyên ngành bảo đảm kết nối, liên thông các bộ, ngành, địa phương.
Sáu là, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Trong đó, hoàn thành trước Quý IV/2024 việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm ổn định để tổ chức đại hội đảng các cấp ở địa phương năm 2025.
Bảy là, tăng cường công tác đối ngoại trên mọi lĩnh vực; hợp tác hiệu quả với các tổ chức quốc tế trong vấn đề công vụ, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đào tạo nguồn nhân lực của ngành Nội vụ, chú trọng đào tạo cán bộ trẻ tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Bộ, ngành Nội vụ. Tám là, coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền; đẩy mạnh truyền thông chính sách lĩnh vực ngành Nội vụ để tạo sự thống nhất, đồng thuận và huy động cả hệ thống chính trị, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nền hành chính nhà nước và các cơ chế, chính sách mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Tôi tin tưởng rằng, năm 2024, với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tinh thần vượt khó của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, toàn ngành Nội vụ sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ đã đề ra, đóng góp chung vào thành tựu phát triển toàn diện của đất nước trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tạp chí TCNN: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Tạp chí TCNN