Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại buổi làm việc
Dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ; lãnh đạo, công chức có liên quan của Vụ Chính quyền địa phương và Văn phòng Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Xây dựng và Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm thực hiện theo định hướng của Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020 và Thông báo số 175-TB/TW ngày 01/8/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị di sản đặc thù trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, cụ thể đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mặt khác, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cố đô Huế; xây dựng thành phố có cơ cấu tổ chức không gian hợp lý, kiến trúc đô thị hài hòa với nhiên nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đáp ứng vai trò, chức năng của đô thị có tính đặc thù về sinh thái, cảnh quan thiên nhân và di sản văn hóa của quốc gia và quốc tế.
Cũng theo Báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, địa giới hành chính thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang sau khi điều chỉnh như sau:
Đối với thành phố Huế sẽ có 40 đơn vị hành chính (33 phường, 07 xã), diện tích khoảng 266,8km2; dân số khoảng 496.618 người.
Đối với thị xã Hương Thủy sẽ có 10 đơn vị hành chính (05 phường, 05 xã), diện tích khoảng 426,95km2, dân số khoảng 96.532 người.
Đối với thị xã Hương Trà sẽ có 9 đơn vị hành chính (05 phường, 04 xã), diện tích khoảng 392,66km2, dân số khoảng 72.261 người.
Đối với huyện Phú Vang sẽ có 14 đơn vị hành chính (13 xã, 01 thị trấn), diện tích khoảng 235,59km2, dân số khoảng 137.604 người.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn gợi ý, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần nghiên cứu phương án nhập một số xã thuộc thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà vào thành phố Huế để hạn chế thành lập phường trên cơ sở các xã sau này. Bởi vì, thành phố Huế sẽ tiếp quản được toàn bộ thành tựu phát triển của các địa phương này trong thời gian qua; mặt khác, các đơn vị hành chính này nằm giáp liền với thành phố Huế, vì vậy, không bị ngăn cách bởi vị trí địa lý hay bất kỳ yếu tố nào và ngay cả một phần của huyện Phú Vang cũng có thể nghiên cứu, xem xét để nhập vào thành phố Huế. Khi làm được điều này thì tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn có thể tiếp tục đầu tư, thay đổi phát triển đô thị hóa, cơ sở hạ tầng, kết cấu kinh tế, định hướng phát triển trên các mặt đời sống, kinh tế - xã hội, chính trị, công nghiệp, thương mại, du lịch…
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần xây dựng và đưa ra một số phương án, trong đó đánh giá chi tiết những ưu điểm, nhược điểm, hạn chế của từng phương án để trên cơ sở đó có sự so sánh, lựa chọn phương án tốt nhất trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng thật sự là địa danh đi vào trong ký ức của người dân Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung, cũng như đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, Huế cũng là địa phương mà có nhiều di sản quốc gia được quốc tế và UNESCO công nhận; có nhiều ngành văn hóa độc đáo, việc khai thác di sản văn hóa đó như thế nào để phát triển thành phố Huế thành thành phố trung tâm của vùng thì cần phải nghiên cứu kỹ để tận dụng và phát huy được tốt nhất giá trị đó, để đưa thành phố Huế lên tương đương với các thành phố khác của các nước phát triển.
Về vị trí địa chính trị, địa kinh tế, quốc phòng và an ninh, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, đây là một nơi rất đặc biệt từ xưa cho đến nay. Đây cũng là địa danh mà cả nước ít có địa phương nào có điều kiện như Thừa Thiên Huế.
Về cơ sở chính trị, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy cũng đã có Nghị quyết về phát triển đô thị thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở vững chắc và tốt nhất để UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng, phát triển.
Về cơ sở pháp lý, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đề án quy hoạch phát triển đô thị trung tâm chung của cả nước trong đó có thành phố Huế; Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt quy hoạch phát triển thành phố Huế đến năm 2020; Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/05/2016 cũng đã ban hành các tiêu chí của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; và đặc biệt là trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sắp tới đây được sửa đổi thì mô hình chính quyền đô thị cũng có nhiều điểm mới.
Về công tác chuẩn bị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tập trung một số nội dung sau:
Ngoài việc đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển thành phố Huế trong tương lai, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần có Chương trình phát triển đô thị của thành phố Huế; đây là thủ tục đầu tiên, là gốc của vấn đề để định hướng về đô thị phát triển lâu dài và chia làm nhiều giai đoạn phát triển (đến năm nào là phát triển đô thị, đến năm nào là đạt chuẩn đô thị thành phố trực thuộc Trung ương…). Trong quá trình xây dựng, cần thiết thì tỉnh Thừa Thiên Huế có thể tham khảo kinh nghiệm của một số địa phương, có thể nghiên cứu thuê chuyên gia nước ngoài có nhiều kinh nghiệm để tư vấn, xây dựng mô hình phát triển thành phố Huế mang đặc trưng riêng của Huế.
Trên cơ sở đó, sẽ xác định được mô hình phát triển của thành phố Huế, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thì tỉnh Thừa Thiên Huế cần xây dựng, định hướng và phát triển thành phố Huế đa dạng theo mô hình riêng, đặc biệt và mang đặc trưng của Huế và không đi theo một mô hình chung nào và tận dụng những điều kiện của các địa phương lân cận (thành phố Đà Nẵng).
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đề nghị, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế không quá nặng về vấn đề kinh phí ở đâu để làm mà cần có ý tưởng tốt, cơ chế chính sách phù hợp để thu hút và tận dụng tối đa các nguồn lực từ bên ngoài.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cần nghiên cứu về diện tích tự nhiên, quy mô dân số để làm sao đảm bảo theo đúng quy định hiện hành. Bộ Nội vụ ủng hộ việc tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục xây dựng chương trình phát triển đô thị và có lộ trình để thực hiện xây dựng thành phố Huế trong tương lai, trước mắt là mở rộng đô thị thành phố Huế và phải lường trước và nắm bắt được cơ hội trên cơ sở phát huy tiềm năng, tiềm lực, lợi thế vốn có của tỉnh Thừa Thiên Huế để phát triển, nâng cao đời sống người dân trong tỉnh.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giao Vụ Chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu đề án này; đồng thời, giao Thứ trưởng Trần Anh Tuấn trực tiếp chỉ đạo và cử cán bộ, công chức có kinh nghiệm trực tiếp hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng đề án này, hướng tới hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền theo lộ trình, tiến độ quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại buổi làm việc
Thông tin tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, Bộ Chính trị sẽ có một Nghị quyết để thay thế các văn bản trước đây để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện cho định hướng phát triển thành phố Huế trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng ghi nhận, trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn và Vụ Chính quyền địa phương và khẳng định UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu xây dựng chương trình, đề án điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên Huế đảm bảo đúng quy định trên cơ sở cân nhắc, tiếp thu những di sản, thành tựu, đặc trưng vốn có của Huế để phát triển đô thị Huế mang bản sắc riêng để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng chất lượng, lộ trình và tiến độ theo quy định.